101 câu chuyện phòng cấp cứu

Câu chuyện phòng cấp cứu chia sẻ những câu chuyện cảm động xảy ra ở phòng cấp cứu của các bệnh viện. Hàng ngày các bác sĩ phòng cấp cứu luôn phải đối mặt với giây phút nguy kịch của người khác, những tình huống khẩn trương, bất ngờ và thường xuyên gặp những câu chuyện cảm động.

Cuộc sống là vô thường và hơn ai hết, những bác sĩ làm ở phòng cấp cứu có lẽ càng thấu hiểu đến tận cùng về thân phận con người nhỏ bé mỏng giòn dễ tổn thương, và biết cái chết đến bất ngờ như thế nào … Chuyện sanh tử ấy đơn giản như trở bàn tay. Mới còn nói cười đó lăn ra chết. Mới còn hừng hực tranh đấu đó bác sĩ báo cho án tử bị ung thư….

câu chuyện phòng cấp cứu
Những câu chuyện xảy ra ở phòng cấp cứu

Câu chuyện phòng cấp cứu số 1 do BS Nguyễn Bảo Trung ghi lại

– Cấp cứu, bác sĩ ơi cấp cứu.

– Mau, đặt lên giường. Bị sao?

– Hổng biết bị sao nữa. Mẹ tôi đang ngồi chửi bới ba tôi tự dưng ngã vật ra, vã mồ hôi, than mệt.

– Bác Trung ơi, nhịp chậm, nghi nhịp bộ nối.

– Mau, lấy xét nghiệm men tim, cắm dịch truyền giữ vein, mời khẩn tim mạch can thiệp.

– Mẹ tôi bị sao bác sĩ?

– Nhồi máu cơ tim cấp. Trước đó bà có than đau ngực không?

– Dạ không.

– Bà bị bệnh gì trước đây?

– Không biết nữa.

– Có sổ khám bệnh không?

– Dạ có đây.

– Bà bị đái tháo đường, tăng huyết áp….

– Ủa, vậy hả bác sĩ?

– Ủa, chị là con mà không biết mẹ mình bệnh gì sao?

– Tôi ….

– Ủa, vậy hằng ngày chị quan tâm chăm sóc mẹ như thế nào?

– Tôi ….

Trung định nói thêm một vài câu cho người nhà “tỉnh” ra, nhưng chợt thấy đôi mắt chị ngân ngấn nước!

Người ta đã đau rồi thì không nên làm đau thêm!

Giá như ….

Trung gói tiếng thở dài lại trong lồng ngực.

Bác sĩ tim mạch can thiệp đã ra, đã thăm khám và giải thích người nhà phải đặt stent mạch vành để cứu bệnh nhân. Trong khi mình ra y lệnh thuốc để duy trì nhịp tim ổn định cho bệnh nhân.

– Cấp cứu, bác sĩ ơi cấp cứu.

Một bệnh nhân khác được đưa vào. Ông cụ 75 tuổi, khô đét, đã ngừng tim.

– Mau xoa bóp tim. Chuẩn bị máy sốc điện. Bác bị sao?

Anh con trai hốt hoảng, lập cập đưa bệnh án cho mình.

– Suy tim giai đoạn III, tăng huyết áp, đái tháo đường….

Hơn 45 phút trôi qua, điện tim trên monitor vẫn là đường đẳng điện dù bao nhiêu lọ thuốc vận mạch được truyền được tiêm trực tiếp. Khi Trung ấn một cái trên lồng ngực, nhịp tim nhảy một cái. Vô tâm thu.

– Bác sĩ ơi, lỗi tại tôi. Người đàn ông khoảng 40 tuổi đổ gập người xuống khóc nức nở.

– Tôi ngừng thuốc tim mạch cho ba tôi 10 ngày. Tôi nghe người ta bày điều trị thực dưỡng. Ai ngờ càng ngày ổng càng mệt, càng khó thở …. Tôi giết cha tôi rồi ….

– Ai bày anh dùng phương pháp thực dưỡng cho người bệnh tim mạch?

– Người ta bày, trên facebook người ta share link ăn thực dưỡng chữa bệnh, khỏi mệt vì thuốc tây nóng …. Tôi chết mất bác sĩ ơi ….

Trung hết nhìn người nhà rồi nhìn bệnh nhân. Một cuộc chia ly đẫm nước mắt. Phố mùa này hanh hao quá dù mỗi chiều vẫn có những chuyến mưa qua.

Càng học Y càng hành Y lâu năm Trung càng sợ cho thuốc hay bày một phương cách gì đó điều trị cho bệnh nhân. Bởi Trung hiểu đây là sinh mạng, đây là sức khoẻ … không dễ dàng được.

Vậy mà mỗi ngày trên mạng, trên facebook người ta cứ chia sẻ cho nhau đủ thứ phương thức điều trị bệnh cho bệnh nhân. Này là thuận tự nhiên, nào là thực dưỡng …. mà toàn ngôi sao nghệ sĩ quảng cáo mới kinh khủng.

“Bất ngờ chữa khỏi bệnh ung thư vì ăn lá cây này …”.

“Bệnh gút lâu năm hết hẳn sau khi dùng phương pháp này …”.

Hàng triệu hàng triệu tin câu like câu view bán thuốc.

Nguồn gốc không rõ.

Nghiên cứu trên con người được xác định có giá trị điều trị bởi bộ y tế không có.

Chỉ là truyền miệng, chỉ là “bí mật gia truyền”….

Cũng không thể trách những người bán, người share … chỉ tiếc người dân mình cứ thích tin, thích rẻ, thích tiện …. Tiện quá đôi khi thành tuỳ tiện!

Mấy ngày trước Trung từng cấp cứu một bệnh nhân nam, 53 tuổi, uống sâm để cường dương trong 1 năm liên tục, ai dè không bổ thận lại suy thận tối cấp phải chạy thận cấp cứu, Trung nghĩ sau đó chạy thận định kỳ. Đã có rất nhiều bài báo cảnh báo trong sâm gây cường dương có trộn Sildenafil chất gây cương, chúng ta chỉ nên dùng khi có sự hướng dẫn rõ ràng của bác sĩ. Vậy mà ….

Người nhà vẫn khóc nức nở. Trung đến vỗ vai anh và nói: Không phải anh cho ngừng thuốc mà ba anh mất đâu. Bệnh suy tim nặng vậy có thể chết bất cứ lúc nào dù cho điều trị cẩn thận ra sao đi nữa. Cứ trung bình 50% bệnh nhân sẽ chết trong 1 đến 3 năm đó.

– Vậy hả bác sĩ? Chết là do bệnh chứ không phải do tôi hả bác sĩ?

Trung gật đầu. Một thoáng giây Trung thấy trong đôi mắt anh ta long lanh. Dường như anh ta đã buông được tảng đá nặng chịch trong lòng.

Lời nói đôi khi lợi hại như vậy đấy. Người chết dù sao cũng đã chết rồi. Nói một câu để người còn lại nhẹ lòng thì như cứu một người vừa chết. Bởi biết đâu anh ta cứ ôm nỗi hoài nghi do mình ngừng thuốc mà giết cha, có phải là tuyệt vọng và đau khổ lắm không?

Trong phòng cấp cứu nói riêng và trong cuộc đời nói chung, một lời nói có thể giết người cũng có thể cứu người.

Có những lời nói ngỡ là nhẹ bẫng vô tư nhưng đối với một số người lại là đá tảng nặng nề có tính sát thương nghiêm trọng.

Bởi vậy gần như hàng trăm ca khúc của Trịnh chỉ là những lời ru, lời thương, lời đau … chẳng có lời nào trách hờn, hận thù cả!

“Ru em là cánh nhạn

Miệng ngọt hạt từ tâm …”

Câu chuyện phòng cấp cứu số 2 do BS Thắng (BS Trung ghi lại)

Bác sĩ Thắng đang trực đêm tại khoa cấp cứu tim thì chuông điện thoại đổ dồn dập.

– Alo, mẹ hả?

– Con ơi, về gấp, ba bị tai biến.

– Hả? Mẹ đưa ba đến ngay bệnh viện gần nhất nhé!

Một phút, hai phút, ba phút, rồi mười phút trôi qua, lòng Thắng như lửa đang thiêu đốt …

– Alo, bác sĩ trực lãnh đạo đây!

– Anh có thể cho em về gấp được không? Ba em dưới quê đột ngột hôn mê.

– Đợi anh điều người cái đã, chứ em đi ngay, lỡ bệnh nhân trở nặng làm sao?

– Dạ anh!

Lại một phút, hai phút, ba phút …. Thắng cứ đi tới đi lui trong phòng!

Hai năm nay rồi anh không về quê, không gặp ba. Mỗi lần điện thoại về, chưa kịp hỏi han ba câu gì thì nghe ba hỏi han dặn dò liên tục: Gắng giữ sức khoẻ he con, à mà tao quên mày là bác sĩ. Gắng nhịn vợ một chút nghe con, dẫu sao nó cũng vợ mình, dẫu sao nó cũng sinh cho mày một đứa con. Ừ thì, vợ chồng nào mới cưới vài năm không cự cãi, huống chi nó là con nhà giàu được nuông chiều từ nhỏ. Con nhớ đừng có ham chức ham quyền mà suốt ngày đi nhậu nhẹt bợ đỡ đó he. Bác sĩ là phải có tấm lòng thương bệnh nhân nghèo he. Hồi đó nếu không có bác sĩ Hiếu thương chữa miễn phí cho là con chết vì sốt xuất huyết rồi đó ….

Chưa bao giờ Thắng nghe ba nói về mình. Tấm lòng người cha luôn đau đáu dõi theo từng bước chân con, dù con có trưởng thành ra sao, có là ông nọ bà kia … thì trong mắt cha mẹ, con vẫn là đứa con bé bỏng luôn cần dạy dỗ bảo ban!

Thắng giận mình vì ngày đó thấy nhà Hân giàu có mà lấy. Thắng sợ cái cảnh nghèo nàn túng quẫn, ba mẹ chèo ghe mua bán trái cây trên sông. Cuộc đời giống như lục bình vậy, bấp bênh vô định. Hồi đó Thắng học giỏi lắm, luôn đứng nhất nhưng chưa bao giờ Thắng nghe lời thầy cô mời ba mẹ đến trường. Thắng xấu hổ vì nhìn thấy ba mẹ nghèo nàn thua sút ba mẹ của mấy bạn cùng lớp!

Rồi khi Thắng được tuyển thẳng đại học, ba dẫn Thắng đi thành phố nhập học, mỗi khi ba đưa tay nắm lấy tay Thắng, là Thắng giật lại. Nhìn ba quê chết đi được!

Kí ức về ba không hiểu sao lúc này cứ hiện rõ dần lên trong đầu Thắng.

Thắng nhớ thời gian trước anh có về quê, mà có về cũng chỉ tạt ngang qua nhà một chút chứ không ở lại qua đêm. Anh sống bên nhà vợ! Anh chưa bao giờ hỏi ba có đau ở đâu không? Anh là bác sĩ mà cũng chưa bao giờ đo huyết áp cho ba lấy một lần. Trong khi ở tại bệnh viện này, anh khám và chữa trị cho những người xa lạ một cách nhiệt tình!

Reng reng … Điện thoại của mẹ!

– Thắng ơi, bác sĩ dưới này nói ba bị xuất huyết não nặng lắm, chắc qua không khỏi.

Thắng nghe xong đổ quị người xuống! Trời tự dưng đổ mưa. Không hiểu nước từ đâu trút xuống tầm tã. Cả bệnh viện chìm trong mưa trắng xoá.

Tháng năm qua lấy được vợ giàu, ở trong ngôi nhà cao rộng nơi thành phố do ba mẹ vợ mua cho … anh có thấy bình an và hạnh phúc? Hay lúc nào cũng bị sự quản lí của vợ? Hay lúc nào cũng nơm nớp sợ ba mẹ vợ? Hay do anh tự tạo áp lực cho mình!

Thắng lại nhớ lời ba lúc Thắng nhờ đi dạm hỏi Hân: Con đã suy nghĩ kĩ chưa con? Của người thì chẳng bình an bao giờ nghe con!

– Nhưng sống với đồng lương còm cõi này, bao giờ con mới có nhà có xe?

– Ừm. Ba biết con chịu nhiều thiệt thòi … Thôi, con ưng đâu thì ba đi dạm hỏi đó!

Lại chuông điện thoại reng.

– Ba mất rồi nghen con! Con từ từ hãy về cũng được. Ở thành phố mà lo cho công việc và vợ con con he!

Tiếng mưa làm cho tiếng mẹ nhạt nhoà đi. Hay lòng Thắng đang đổ mưa …

Giá như có thể quay lại … Thắng sẽ về đo huyết áp và nghe tim cho ba!

Nhưng Thắng ơi, cho dù có nghe chắc gì nghe được tiếng tim của đấng sinh thành! Vì ở đó sâu thẳm và mênh mông lắm!

Câu chuyện phòng cấp cứu số 3 ngày….tháng….năm….(FB BS Trung)

– Em mời lại người nhà bệnh nhân X giúp bác!

– Ổng đi đâu mất tiêu rồi.

– Vợ sắp chết mà bỏ đi đâu không biết.

Hai điều dưỡng đáp lời khi Trung muốn gặp chồng của bệnh nhân để giải thích thêm về tình trạng bệnh.

Khoa cấp cứu lúc 12 giờ đêm đông nghẹt người ra vào, tiếng rên tiếng la tiếng máy thở phụt phụt … Trung cứ ngỡ đó là cái chợ!

Ừ thì giờ này, ai cũng ngủ ngon trong tổ ấm bên cạnh người thương, chỉ có nhân viên y tế là phải thức trắng đêm trực cấp cứu. Lúc nào họ cũng phải tỉnh, bởi chỉ cần sơ sẩy nhỏ thôi là mạng người, hay có thể dây vào thưa kiện liên miên vì thái độ phục vụ rồi nản lòng, rồi rút lại, thủ cho mình!

– Má tụi bây, lương y là lương tháng, nãy giờ ông vô đau đớn muốn chết mà tụi bây đéo chích mũi giảm đau nào!

– Anh mới vô, chưa kịp lấy dấu sinh tồn, chưa kịp khám biết đau cái gì đâu mà chích.

– Mày nói gì hả con kia? Ông vô nãy giờ 10 phút rồi he.

– Anh có thấy cả khoa bệnh nhân nằm la liệt không? Anh có thấy tụi tôi đang cấp cứu bệnh nặng gần tử vong không?

– Tại sao tụi mày trực ít người thế? Bác sĩ đâu?

– Tôi đây.

Trung đang khám một bà cụ nhập viện vì khó thở nghĩ nhiều đến phù phổi cấp, buộc phải lên tiếng.

– Có ai vào phòng cấp cứu giờ này mà không đau, không mệt đâu. Nhưng anh nên nhìn những bệnh nhân khác nếu chậm trễ là nguy hiểm đến tính mạng. Tụi tôi phải ưu tiên xử trí cho họ! Rồi, anh bị sao vào đây?

– Ông đi nhậu ăn mấy con ốc bây giờ đau bụng và mắc ói!

Vậy đó, đêm trực cấp cứu là vậy đó! Bệnh nhân có quyền la lối, chửi thề, văng tục với nhân viên y tế. Nhưng nhân viên y tế thì phải luôn ân cần, dịu dàng và tử tế!

Thú thật Trung không ngại khó ngại khổ, không ngại cấp cứu những bệnh nhân bệnh nặng giai đoạn cuối hay những bệnh nguy kịch, mà ngại cấp cứu những người say sỉn, những người không kiểm soát được hành động và lời nói của mình và xem thường nhân viên y tế!

– Chúng ta có quyền từ chối khám bệnh nhân không?

– Có chứ, nhưng thường chúng ta không vì chúng ta là bác sĩ mà. Bác sĩ phải luôn trong tâm thế sẳn sàng cứu chữa bệnh nhân.

– Người ta có thể lợi dụng hay đổ thừa do đau mà buông lời xấc xược với chúng ta sao?

– Hãy nhớ người ta không là người bình thường mà là người bệnh. Có người bệnh ở thân. Có người bệnh ở nhân cách. Mình ăn thua với họ làm gì!

Khi chuyển bớt bệnh nhân đi, Trung nói lời an ủi mấy người điều dưỡng trực chung. Tự dưng thấy thương cho những người còn khoác trên mình chiếc áo blouse trắng! Những nhọc nhằn kia, những uất ức thiệt thòi kia … không làm tổn thương được trái tim với ước mơ ban đầu là tình thương giữa người với người và cố giúp nhau vượt qua cơn đau bệnh tật!

– Ủa, ủa, anh làm gì vậy!

Trung nghe điều dưỡng An la vội quay đầu lại. Người nhà mà hồi nãy Trung tìm gặp để giải thích bệnh đang cố mặc cho bệnh nhân một chiếc đầm đỏ trong khi tay cô ta hai ba đường truyền tĩnh mạch và miệng đang được đặt nội khí quản thở máy! Thì ra nãy giờ ổng chạy về lấy cái đầm đỏ!

– Tôi muốn mặc chiếc đầm này cho vợ tôi. Tôi sợ vợ tôi mất mà không mặc được chiếc đầm này!

Cả khoa trố mắt ra nhìn. Lúc đó ai cũng nghĩ gần chết rồi mà còn mặc đầm đỏ đầm đẹp chi nữa. Đứng trước tử thần mọi chuyện thế gian này vinh nhục thăng trầm chẳng phải đều vô nghĩa hay sao?

– Bác sĩ biết không, sáu tháng trước tôi đi công tác bên Singapore, tôi mua cái đầm đỏ này tặng vợ tôi. Nhưng khi tôi mang nó về, bả thấy giá, bả la quá chời. Sao không để dành tiền lo cho con.

Hức hức … bả thích lắm … nhưng bả không chịu bận. Bả nói đợi dịp nào đó mới bận chứ. Tự dưng bận đầm đỏ ở nhà đi ra đi vào, người ta cười cho! Tôi mới nói : Thì mình bận cho chồng con coi! Bả hẹn cuối tháng 7 này, ngày kỉ niệm vợ chồng tôi kết hôn được 15 năm, bả sẽ bận …. Chời ơi …. Ai ngờ đâu …. Bác sĩ ơi! Mình ơi … Mình không còn bận được nó nữa rồi ….

Trung đứng nghe mà thẫn thờ! Trung quên mất mình là bác sĩ phải tỉnh phải lạnh để cấp cứu bệnh nhân!

Ai ngờ đâu … Ừ thì, có ai ngờ đâu! Đang sống khoẻ mạnh đùi đụi vậy tự dưng nhồi máu cơ tim rồi phù phổi rồi rối loạn nhịp rồi chết!

Đang hừng hực với biết bao dự tính cho ngày mai, tự dưng xuôi tay nhắm mắt. Đang hẹn nhau một sớm mai nào đó bận chiếc đầm đỏ thắm ngồi ôn lại những kỉ niệm … tự dưng không còn thấy nhau!

Bạn ơi, nếu thích điều gì đó hãy làm ngay đi! Nếu thương ai đó hãy tỏ tình ngay đi! Nếu muốn bận chiếc đầm đỏ thì hãy bận ngay đi!

Kẻo ngày mai … lại không tìm lại được cảm xúc của ngày hôm nay!

Câu chuyện phòng cấp cứu số 4

Sáng nay một bệnh nhân nam 50 tuổi, làm ruộng, quê ở Tiền Giang đến khám bệnh xin thử mỗi đường huyết. Mình mới hỏi :

– Sao chú muốn thử đường huyết?

– Vì tôi sụt cân nhanh, người ta nói do bệnh tiểu đường.

– Đã bỏ công từ quê lên đây, sao chú không khám tổng quát luôn? Giả sử thử máu có kết quả bị đái tháo đường thì cũng phải xem chức năng gan, chức năng thận, và đánh giá biến chứng mới điều trị được chứ.

Mình vừa giải thích vừa nhìn bệnh nhân, và mình hiểu vẻ ngập ngừng đắn đo ấy, có lẽ bệnh nhân nghèo.

– Dạ, thử hết mấy thứ đó bao nhiêu bác sĩ?

– Bệnh viện công giá rẻ lắm. Chú đi thử đi.

Khi mình cầm kết quả phim phổi trên tay, tự nhiên mình nghẹn lời. Dù rằng mỗi ngày mình tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân với đủ loại bệnh tật khác nhau.

– Chú hút thuốc nhiều không?

– Cỡ 1 gói 1 ngày. Bữa nào buồn hút nhiều hơn.

– Chú uống rượu nhiều không?

– Mỗi ngày, nhưng chủ yếu vui chơi với anh em, người vài xị.

– Chú có vợ con gì không?

– Dạ, một vợ, 3 con. Nhưng nhà có vài công ruộng, nên tụi nó bỏ lên Bình Dương làm công nhân hết rồi.

– Cháu nghĩ chú nên qua khám bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

– Tôi bị lao hả bác sĩ.

– Cháu cũng hy vọng là lao. Nhưng ….

– Bác sĩ cứ nói đại đi. Tôi ở quê lên khám bệnh cực lắm.

– Cháu cũng nghĩ đây là khối u. Nhưng chú biết đó, có u lành u ác. Mà u ác bây giờ có thể trị được.

– Ý bác sĩ là ung thư phổi hả?

– Chưa chắc đâu. Phải làm thêm xét nghiệm, sinh thiết … mới có thể kết luận.

Một khoãng im lặng kéo dài. Mình nhìn khuôn mặt bệnh nhân từ trắng bệch chuyển sang tím tái và khoãng 15 phút sau mới trở lại như bình thường.

– Ung thư phổi thì sống được bao lâu bác sĩ?

– Chưa chắc đây là ung thư. Nhưng nếu là ung thư thì có thể vài tháng, vài năm… Tuỳ vào cơ địa mỗi người, tuỳ vào đáp ứng điều trị.

– Tại sao lại là tôi chứ?

– Tại sao không là chú?

– Tại ….

Lại một khoãng im lặng kéo dài. Mình không nỡ mời bệnh nhân kế tiếp dù sáng thứ hai rất đông.

– Tôi về bỏ thuốc lá và rượu có thể cứu vãn được không?

– Cháu nghĩ, bỏ được thì tốt. Nhưng bây giờ việc này không còn ý nghĩa nữa rồi.

Mình vẫn hay tự hỏi : Rượu bia và thuốc lá có điều gì hấp dẫn đến vậy, nhưng không có câu trả lời.

Lúc trước mình còn ngạc nhiên khi thấy Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia và thuốc lá lớn nhất thế giới, bây giờ thì mình không còn ngạc nhiên nữa. Vì đã hiểu một phần. “Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu”, hình như rất đúng khi mô tả con người Việt Nam. Mỗi chiều tối đi làm về thấy quán nhậu nào cũng đông nghẹt khách. Hết chén chú rồi đến chén anh.

Rồi một ngày nào đó bệnh tật kéo đến. Có những bệnh có thể chữa lành, có những bệnh tiền mất rất nhiều nhưng không thể cứu vãn. Dù vẫn biết ung thư là “trời kêu ai nấy dạ”, nhưng mình không tin là mỗi ngày mình sống không tác động gì đến nó. Bạn thử nhìn xem, một người béo phì, ăn nhiều lười tập thể dục…làm sao mà không đủ thứ bệnh về chuyển hoá, một người suốt ngày hút thuốc uống rượu làm sao tránh khỏi ung thư phổi, xơ gan? May mắn lắm cơ địa người đó đặc biệt.

– Bây giờ tôi phải làm sao?

– Bây giờ cháu cho thuốc tiểu đường cho chú, còn bệnh phổi chú phải qua bên Phạm Ngọc Thạch, bên đó chuyên hơn.

– Bác sĩ có thể nói cho tôi biết, tôi có thể sống bao lâu nữa không để tôi thu xếp nhà cửa.

– Cháu nói thật, không dám chắc chắn về điều gì. Có những thứ hôm nay đúng, ngày mai lại sai. Có những thứ ngỡ là phước nhưng lại là hoạ. Điều quan trọng bây giờ không phải là chú sống bao lâu, mà sống có thật sự sâu hay chưa?

– Sống thật sâu?

– Đúng rồi. Chú còn rất nhiều thời gian để suy nghĩ về điều đó. Ví dụ như có bao giờ chú đến quỳ bên gối mẹ của chú và thì thầm lời cám ơn? Ví dụ như có bao giờ chú chở ba chú qua con đường làng nơi ngày xưa ba chú dẫn chú đi học? Ví dụ như có bao giờ chú cám ơn người vợ rất mực dịu hiền và chung thuỷ đã đi với chú gần ấy năm mà không một tiếng than van dù chú nát rượu và nghiện khói thuốc?

– Bác sĩ … Tôi … Tôi chưa từng nghĩ đến điều đó.

– Chú có bao giờ quan tâm đến những đứa con mình? Chú có nghĩ rằng một lời hỏi han của chú thôi đủ làm họ hạnh phúc?

– Ơ …

– Vậy đó, sống sâu là sống với những điều nhỏ bé đơn giản như thế đó. Cuộc sống vô thường và con người ai mà không có bệnh có tử. Sau giai đoạn choáng rồi, chú sẽ chấp nhận được thôi. Từ chấp nhận đến quay lại nhìn về chính mình gần trong gang tấc.

– Cám ơn bác sĩ.

—-

– Chú ấy là gì của anh?

– Cha ruột.

– Anh có hay đưa chú đi khám bệnh không?

– Bận lắm bác sĩ ơi, với lại ở xa nhau.

– Anh có biết ba anh bị ung thư phổi?

– Dạ….

– Ông ấy hút thuốc nhiều lắm không?

– Chẳng những hút thuốc còn uống rượu. Mỗi khi say sỉn về là đập phá nhà cửa chửi bới vợ con…. Tôi nói thiệt từ nhỏ đến giờ ổng chưa dạy tôi bất cứ điều gì. Anh em tôi chẳng được đi học….

– Anh có hận chú không?

– Không.

– Không?

– Dạ, dù xấu hay tốt ổng cũng là cha mình mà bác sĩ. Đúng hay sai đâu có lỗi do ổng, tại ông bà hay môi trường sống nó thế.

Mình bất ngờ trước cách trả lời của người con, khi mình mời bệnh nhân ra ngoài để gặp riêng.

Anh ta làm công nhân, chắc chắn là ít học. Nhưng học chữ cho nhiều vào làm gì, bằng cấp tiến sĩ giáo sư làm chi mà không biết quan tâm yêu thương cha mẹ già, không biết sống sao cho có tình có nghĩa.

– Bệnh này điều trị tốn kém lắm. Về mua bảo hiểm gấp đi. Được đồng nào hay đồng đó.

– Dạ.

Nhìn hai cha con bước ra khỏi phòng khám mà lòng mình chùng xuống. Mình mong có phép lạ xảy ra, bởi một người con chí hiếu không bao giờ người bạn cuộc sống lại làm ngơ.

– Dù xấu hay tốt ổng cũng là cha của mình. Câu nói ấy theo đuổi mình tới tận giờ này!

BS Nguyễn Bảo Trung

Viết một bình luận

Developed by blognhatha.com DMCA.com Protection Status